Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2010

DU LỊCH - Ngôn ngữ vùng sông nước Nam bộ

Nam bộ là một châu thổ thấp và phẳng, là sản phẩm bồi tụ của sông Mekong, con sông dài nhất, nhiều phù sa nhất vùng Đông Nam Á trên một khuôn vịnh nông, kéo dài từ bồn địa Tonlé Sap (Campuchia) tới đồng bằng sông Tiền và sông Hậu.

Do là vùng đất cửa sông giáp biển nên việc bồi tụ này vẫn đang tiếp diễn hằng năm, kéo dài và nới rộng mũi Cà Mau. Vì thế, đặc điểm nổi bật của văn hóa Nam bộ là nền văn hóa sông nước, thể hiện qua nền nông nghiệp lúa nước, tập quán khai thác thủy sản, rồi cách thức đi lại, tổ chức lễ hội và ngôn ngữ giao tiếp.
Phương thức diễn đạt của người dân nơi đây là dùng những hình ảnh, hoạt động, tính chất có liên quan tới vùng sông rạch để so sánh hoặc tạo lối nói ẩn dụ, hoán dụ. Chẳng hạn thay vì gọi anh em rể, người dân vùng này quen nói anh em cột chèo.

Cách nói này gợi lên hình ảnh quen thuộc về một vùng sông nước: người đồng bằng dùng phương tiện đi lại bằng ghe xuồng gắn hai cột chèo ở đằng mũi và đằng lái. Và hình ảnh hai người đàn ông đứng chèo là cơ sở cho sự tiếp cận gần gũi để trở thành anh em rể trong một gia đình, nhưng cách nói anh em cột chèo tạo cảm giác gần gũi và chân tình hơn.
Từ lâu, việc đi nhờ trên một phương tiện cho dù không phải ở dưới nước cũng đều được gọi là quá giang. Quá giang là đi nhờ xuồng đưa qua sông, nhờ chiếc ghe lạ đưa giùm qua quãng đường dài. Người xin quá giang được đối xử bình đẳng, cơm nước như chủ ghe, lẽ dĩ nhiên khi chủ ghe mệt mỏi thì phải giúp chèo tiếp.
Lớn và ròng dùng để chỉ chu kỳ của con nước, cũng được dùng để hình dung về những giai đoạn thăng trầm của con người. Chèo và chống là hoạt động của người sử dụng xuồng ghe trên sông nước, nhưng cũng mang ý nghĩa là sự vất vả đối phó với những trắc trở khó khăn trong cuộc đời.
Neo nghĩa là cột thuyền lại ở bến, cũng có nghĩa là ngưng bay nhảy để gắn bó trong một cuộc hôn nhân hay do một lựa chọn nào đó; Tép lặn tép lội là cụm từ tượng hình biểu thị cách di chuyển lăng xăng của loại thủy sản này, nhưng cũng để ám chỉ một thứ phong cách ngôn ngữ liến thoắng lanh lẹ. Khẳm có nghĩa gốc là chiếc ghe, xuồng chở quá đầy, ngày nay được dùng rộng rãi với nghĩa là “rất nhiều”.
Lời người mẹ dặn dò con rất cảm động trước phút đi xa gia đình để lập nghiệp cũng là lời dặn dò của người vùng sông nước: “Ra đi mẹ có dặn dò/ Sông sâu con đừng lội, đò đầy con đừng qua”. Càng về sau, hình tượng “sông sâu, đò đầy” trong câu ca dao này còn được hiểu như những bất trắc nói chung mà con người có thể dự đoán và đề phòng được nếu cẩn thận, không liều lĩnh.
Nếu đi hớt tóc mà gặp người thợ mới ra nghề, chưa kinh nghiệm thì có khi mái tóc có chỗ ngắn dài, đậm sáng khó coi. Trong trường hợp này, người dân Nam bộ nói là cái đầu cá sặc rằn, bởi cá sặc rằn phổ biến ở vùng sông nước Nam bộ cũng có những vệt sáng đậm nhạt như vậy.
Một vụ việc bị bưng bít hoặc bị cố tình giấu nhẹm đi thì người dân Nam bộ gọi là chìm xuồng. Đã bị chìm xuồng thì chiếc xuồng và tất cả những gì trong xuồng đều bị nước cuốn trôi hết, không còn để lại một dấu vết nào nơi hiện trường.
Một vụ việc nào đó đáng lý ra phải được giải quyết sớm, nhưng người ta lại cố tình trì hoãn thì người dân vùng sông nước gọi là ngâm tôm. Còn một việc làm mà cuối cùng chẳng thu được lợi ích gì thì người ta nói mất cả chì lẫn chài. Chài là dụng cụ dùng để bắt cá tôm, còn chì là một bộ phận nhỏ trong cái chài. Nói “mất cả chì lẫn chài” hàm nghĩa mất tất cả phương tiện làm ăn.
Để chỉ tình trạng phỗng tay trên, lấy hết của người khác, người dân Nam bộ thường nói đổ lọp. Lọp là một công cụ được đặt cố định dùng để bắt cá tôm, thường đặt vào buổi tối, đến sáng thì giở lên thu cá, tôm bên trong. Nghĩa đen của “đổ lọp” là có ai đó đã đến sớm hơn để lấy hết số cá, tôm ấy. Còn nghĩa bóng thì nói về quan hệ tình cảm vụn trộm: nếu một người nào đó đã lén lút quan hệ với vợ mà chồng không hề hay biết, khi đó người ta bảo ông chồng bị đổ lọp.
Không phải ngẫu nhiên người Nam bộ gọi cái lẩu là cái cù lao. Giữa cái lẩu có một phần nhô lên dùng để than, xung quanh nó là nước, trong nước có cá tôm, rau cải… chẳng khác gì hình dạng cù lao của vùng sông nước Nam bộ.
Ở vùng sông nước trước đây do không có điều kiện làm nhà vệ sinh nên mỗi khi có việc người ta thường đi vệ sinh trên ao, hồ, bằng cách bắc một cái cầu và nuôi một ít cá dưới đó. Vì vậy, đến nay từ đi cầu vẫn được người dân Nam bộ hiểu là đi vệ sinh.
Một người làm việc lúc có mặt, lúc không thì bị gắn cho từ lặn hụp. Đây là một hoạt động không thể thiếu đối với cư dân vùng sông nước lúc tắm sông, đào đất. Người lặn hụp dưới sông cũng có lúc thấy lúc không, bởi đó trong cách diễn đạt của người dân nơi đây nhằm ám chỉ một người mà lúc thấy lúc không thì họ gọi là “lặn hụp”.
Vùng đồng bằng sông nước có rất nhiều cây điên điển. Vào mùa nước nổi, cây ra hoa vàng cả cánh đồng. Bông điên điển nấu canh chua với cá linh ăn rất ngon. Thân cây được dùng làm củi chụm, còn rễ cây chẳng dùng được vào việc gì nên người dân Nam bộ có cách nói rễ điên điển để chỉ những chàng rể mà tính cách và ứng xử với gia đình vợ không có lễ nghĩa gì.
Còn nói về sự nghèo thì người Nam bộ nói nghèo cháy nóp để than thở hay khôi hài về sự nghèo khó. Nóp là loại tấm nệm người đi rừng, đi bưng dùng để quấn mình lại chống muỗi đốt để ngủ cho qua đêm. Thế nhưng tấm đệm ấy mà bị cháy mất thì coi như chẳng còn gì nữa, thật là quá nghèo.
Cũng nói về cuộc sống nghèo khổ của cư dân vùng sông nước, người dân ở đây còn có cách nói tắm lửa ngủ nước. Nghĩa đen của nó là tắm nắng, ngủ mùng nước. Mùa nắng, kinh rạch khô cạn, ở đồng không mông quạnh, đốt lửa lên, đứng gần cho mồ hôi ra thật nhiều, lau sạch bụi đất và mồ hôi kể như là tắm xong. Còn ngủ nước là ngủ trong nóp nhúng nước, nhờ những kẽ hở của tấm đệm ngăn cản không cho muỗi lọt vào. Ai dè con bù mắc nhỏ hơn, chui vào dễ dàng, làm cho kẽ hở của chiếc đệm bị khít lại.
Người nằm trong nóp ngột ngạt, thở không ra hơi, nhưng đành chịu, thỉnh thoảng mới chui ra ngoài, rồi lại chui vào nằm thiêm thiếp chờ sáng. Người dân ở đây có cái sung sướng của sự dồi dào, thừa mứa vật chất, nhưng đồng thời cũng có cái cực tột cùng của sự thiếu thốn, khắc nghiệt do thiên nhiên vùng sông nước gây ra.
Làm rề rề như lục bình trôi là cách nói dùng để miêu tả sự chậm chạp, kéo dài, phó mặc, đến đâu hay đến đấy của người lười biếng, vụng về… Lục bình là loại cây sống dưới nước, trôi nổi đầy các kinh rạch Nam bộ. Vì dòng chảy ở đây không xiết nên lục bình cứ lờ đờ trôi.
Và không giống nơi đâu, người xứ này gọi xe chở khách là xe đò. Xe là xe, còn đò là đò tại sao lại gọi xe đò? Phải chăng xe có sau đò, mà vẫn chỉ có công dụng vận chuyển nên gọi cụ thể như vậy để dễ phân biệt hai loại? Còn mỗi khi có người thân từ xa đến thăm, dù họ đi bằng máy bay, ôtô thì người dân Nam bộ vẫn nói là từ xa lặn lội đến đây.
Nhiều tên thực dân, phong kiến ngày xưa có bộ râu chẳng những không đẹp mà còn hách dịch thì sẽ bị nói là râu cá chốt. Vuốt đuôi lươn là cụm từ để ám chỉ việc làm không đưa đến kết quả nào. Cách nói ẩn dụ này khuyên nên suy nghĩ đến kết quả trước khi hành động.
Sống giữa sông ngòi chằng chịt, tự bao đời nay con người đã gắn bó với sông rạch trong các sinh hoạt thường nhật của mình. Cho nên, trong cách nói năng hằng ngày, cũng như khi định danh cho các sự vật, hiện tượng, con người Nam bộ đã sáng tạo ra vô số từ ngữ có liên quan đến sông nước.
Các từ định danh cho dòng nước gồm sông, ngòi, mương, máng, lạch, kinh, ao, hồ, rạch, xẻo, ngọn, rọc, dớn, láng, lung, bưng, biền, đưng, đầm, đìa, trấp vũng, trũng, tắc, gành, xáng, doi, vịnh, bàu… Các từ miêu tả sự vận động của dòng nước là nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém, nước trồi, nước sụt, nước dềnh, nước giựt, nước bò, nước chảy, nước đứng, nước nằm, nước chừng, nước nhửng, nước ương, nước chết, nước sát, nước rặc, nước cường, nước ghẻ, nước nhảy, nước thả, nước ngựa, nước trốt, nước xuôi, nước rằm…
Sông nước, kinh rạch và những gì liên quan đến nó còn in dấu ấn sâu sắc trong hệ thống dồi dào phong phú những tên gọi dành cho những địa hình có liên quan đến nước hoặc hệ thống tên gọi chỉ tình trạng vận động của nước. Không chỉ đơn thuần là tên gọi sự vật hiện tượng, những từ ngữ chỉ tình trạng của con nước chảy thường ít nhiều mang tính biểu cảm, thể hiện sự gắn bó sâu sắc tình cảm của con người với thiên nhiên.
Theo TRẦN KIỀU QUANG
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét